'Vượt rào' lãi suất ngày càng trắng trợn

18:52 |
Việc lách trần lãi suất đang tái diễn giống với thời điểm tháng 9/2011 nhưng các nhà băng có vẻ ngang nhiên hơn bởi không còn cảnh ngân hàng giám sát lẫn nhau và tố nhau, mà trái lại các ngân hàng dường như đang bao che cho nhau để cùng "vượt rào". Nghìn lẻ chiêu vượt trần lãi suất Anh Nguyễn Duy Khoa, nhà đầu tư lớn trên sàn chứng khoán IVS, cho biết, khi thị trường chứng khoán lình xình thời gian qua, anh đã rút bớt tiền khỏi chứng khoán để gửi ngân hàng. Trong lúc đang phân vân chọn nhà băng nào để gửi thì anh đã nhận được một số cuộc gọi từ các nhân viên ngân hàng chào mời anh gửi tiền với lãi suất khá hấp dẫn. Sau khi xem xét, anh Khoa quyết định chọn ngân hàng V. Với số tiền gửi hơn 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng, trên sổ tiết kiệm lãi suất ghi là 8,9%/năm, song lãi suất huy động thực tế lên tới gần 11%/năm. Phần chênh lệch này được trả riêng và không ghi vào số tiết kiệm. Cũng theo anh Khoa, việc ngân hàng vượt trần lãi suất huy động diễn ra thường xuyên. Trước đó gần 2 tháng anh có gửi một khoản tiền nhỏ ở một ngân hàng khác, lãi suất thực nhận cũng lên tới 10,3%/năm, dù thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước đã áp trần lãi suất huy động ngắn hạn là 9%/năm. Hiện các ngân hàng có nhiều chiêu để lách trần lãi suất huy động mà nếu chỉ xem sổ sách, giấy tờ thì không thể phát hiện ra, như tặng tiền mặt cho phần chênh lệch lãi suất (số tiền này có thể được tặng ngay hoặc sau khi khách hàng gửi được một vài tháng, tùy vào ngân hàng và kỳ hạn gửi của khách), thẻ cào trúng thưởng, quà tặng… Một ngân hàng có trụ sở ở quận 1 TP HCM đang triển khai chương trình khuyến mãi Thẻ cào may mắn dành cho khách hàng cá nhân tham gia gửi tiết kiệm bằng VND hoặc USD. Theo đó, khi tham gia gửi tiết kiệm trong thời gian từ 5/7 đến 2/10, với các kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng và mức gửi từ 30 triệu đồng hoặc từ 1.500 USD trở lên, khách hàng sẽ được nhận phiếu cào dự thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng. Trong đó, 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 10 giải nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng và 3.000 giải ba mỗi giải trị giá 100.000 đồng và hơn 100.000 giải thưởng giá trị khác. Một khách hàng có thể trúng nhiều giải và đặc biệt khách hàng sẽ được nhận tiền mặt ngay khi cào trúng thưởng.

Từ ngày 16/7 đến hết ngày 10/10, Ngân hàng SeABank tiếp tục gia hạn chương tiết kiệm dự thưởng “Sinh nhật SeABank, cào nhanh trúng lớn” đợt 2 với tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 15 tỷ đồng. Chương trình bao gồm 2 hình thức cào trúng thưởng ngay và quay số may mắn cuối đợt. Theo đó, với mỗi 50 triệu đồng tiền gửi (hoặc ngoại tệ tương đương) tại SeABank với kỳ hạn 1 tháng, khách hàng sẽ được nhận một thẻ cào may mắn với 100% cơ hội trúng giải. Ngoài ra, tất cả khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng sẽ nhận được một mã số dự thưởng tham gia vào đợt quay số trúng thưởng cuối chương trình. Các giải thưởng bao gồm sổ tiết kiệm, thẻ Visa của SeABank có giá trị từ 1 triệu tới 100 triệu đồng. Theo Tiến sĩ Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính ngân hàng cấp cao, hiện các nhà băng còn có một phương thức vượt rào trần lãi suất huy động tinh vi hơn, đó là đáo hạn kép. Chẳng hạn ngân hàng tính lãi suất một ngày, đến lúc đáo hạn thành lãi kép, cộng lại sẽ vượt trần 9%/năm. Bản chất của việc đáo hạn kép cũng như các chương trình khuyến mãi trên vẫn là một cách lách luật, đẩy lãi suất huy động vượt trần. Bởi để huy động được từng đó tiền, ngoài việc phải trả lãi suất theo quy định cho khách hàng, ngân hàng còn mất thêm một khoản tiền khá lớn để tặng thưởng cho các chương trình khuyến mãi, như vậy có khác gì tăng thêm lãi suất huy động. Có khác chăng là nếu không có trần lãi suất huy động, các ngân hàng có thể để mức lãi suất cao, và chi phí cho lãi suất này được ghi trong sổ sách, chứng từ. Còn khi bị áp trần, các ngân hàng lách luật như tặng luôn lãi suất chênh lệch bằng tiền mặt cho khách, khuyến mãi… thì khoản chi phí vượt trần này, các nhà băng có rất nhiều cách hợp thức hóa, như cho vào kinh phí quảng cáo, thi đua tuyên truyền... Ngân hàng không còn "tố" nhau Cũng theo tiến sĩ Nhi, việc lách trần lãi suất đang tái diễn giống với thời điểm tháng 9/2011. Tuy nhiên, hiện các nhà băng có vẻ không sợ sệt như trước đó mà còn ngang nhiên hơn. Bởi thời điểm cuối năm 2011, không ít nhà băng bị Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở, sếp ngân hàng bị xuống chức, đuổi việc, một phần nguyên nhân là do các ngân hàng giám sát lẫn nhau và tố nhau. Còn hiện nay, các ngân hàng không những không tố nhau mà dường như còn bao che cho nhau để cùng vượt rào lãi suất. Bởi thanh khoản của ngân hàng vẫn rất khó khăn và sức ép duy trì nguồn vốn cũ, đồng thời phải tăng vốn huy động lên khiến các ngân hàng phải tìm mọi cách để thu hút khách gửi tiền. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho rằng, hầu hết nhà băng hiện huy động vốn cao bất thường đều là những ngân hàng nhỏ, nằm trong “danh sách đen” của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản yếu. Khi các nhà băng này tăng nóng lãi suất huy động bằng nhiều cách thì buộc một số ngân hàng lớn cũng phải tăng theo nhằm giữ chân khách. “Theo tôi, cơ quan quản lý nên mạnh dạn cho tự do hóa lãi suất, nhưng đi cùng điều kiện là chấp nhận cho phá sản ngân hàng yếu kém. Khi đó, tình trạng đua tăng lãi suất bằng mọi giá mới không còn đất sống. Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không để nhà băng yếu kém nào phá sản, người dân cứ tìm ngân hàng có lãi suất huy động cao để gửi tiền, lợi cả đôi bên nên tình trạng lãi suất tăng nóng khó kiếm soát được. Phản ứng lại lý lẽ trên, ông Phạm Duy Hưng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á nói, tại sao các ngân hàng lớn “vừa được miếng lại vừa được tiếng”, luôn đổ tội cho các ngân hàng nhỏ. Thực tế, các nhà băng nhỏ không đủ sức để trở thành “tội đồ” của cuộc đua vượt rào lãi suất. Bởi tại Việt Nam, 12 ngân hàng đứng đầu hiện đã chiếm hơn 80% thị phần khách hàng, do vậy những ngân hàng nhỏ còn lại không thể là tác nhân chính làm tăng lãi suất thị trường.

Đi xe không chính chủ bị phạt tới 10 triệu đồng

18:13 |

 Từ hôm nay (10/11), người đi ô tô và xe máy không chính chủ sẽ chính thức bị xử phạt nặng, mức cao nhất lên đến 10 triệu đồng.
Theo đó, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt, mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, xe máy bị xử phạt 1 triệu đồng.

Quy định trên nằm trong Nghị định 71/2012 của Chính phủ (sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP) về "Quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ", chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012.

Người đi ô tô và xe máy không chính chủ sẽ chính thức bị xử phạt nặng, mức cao nhất lên đến 10 triệu đồng.

Theo quy định, người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.

Đối với xe lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt chủ xe, nhưng không tạm giữ phương tiện. Còn với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ là cần thiết, nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nghi ngại về tính khả thi của việc thực hiện xử phạt này. Theo một số người dân, thủ tục sang tên đổi chủ xe hiện quá rườm rà, chi phí cao, mất nhiều thời gian đi lại. Nhiều khi mua xe cũ qua nhiều đời chủ, không biết chủ sở hữu trước đó để làm thủ tục.

Nghị định 71 sửa đổi bổ sung 19 điều của Nghị định 34. Trong đó có 6 nhóm vi phạm được điều chỉnh mức phạt, trong đó có lỗi vi phạm theo nghị định 71 tăng gấp 6 lần so với nghị định 34.

Theo đó, từ ngày 10/11, người lái ôtô sẽ bị xử phạt 10 - 15 triệu đồng nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở. Trước đó, Nghị định 34 chỉ đưa ra mức phạt 2 - 6 triệu đồng đối với lỗi này.

Người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt 8 - 10 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.

Phạt tiền từ 25 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm không dừng xe hoặc chống đối người thi hành công vụ khi có hiệu lệnh, tăng số tiền phạt từ 4 lên 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động, đua xe trái phép.

Tết: Đỏ mắt không thấy vé bay giá rẻ

19:43 |
Nếu như Tết 2012 khách hàng chỉ phải trả 3,2 triệu đồng/khứ hồi cho chuyến bay TP.HCM đi Hà Nội thì nay mức giá đã tăng gấp đôi.

Anh Nguyễn Văn Tâm làm truyền thông ở TP.HCM, quê Vĩnh Phúc, cho biết do sợ cận Tết khó mua vé nên năm nay ngay từ đầu tháng 10, anh đã lên mạng “săn” vé Tết. Khi xem mức giá các hãng hàng không đưa ra anh mới tá hỏa: Quá cao so với mọi năm. Chẳng hạn, chuyến TP.HCM - Hà Nội của VietJetAir (đi vào đầu tháng 2-2013) tính cả thuế, phí là gần 6 triệu đồng/khứ hồi. Tại Vietnam Airlines, vé bán vào cùng thời điểm chỉ còn hạng thương gia với giá hơn 11 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi vào Tết 2012, vé chuyến TP.HCM - Hà Nội của anh Tâm chỉ có 3,2 triệu đồng/khứ hồi.

Mua sớm giá vẫn cao

Cùng cảnh ngộ với anh Tâm, chị Lê Thị Thanh Hà, quê Bắc Giang, kể: “Với giá vé như hiện nay, tính sơ sơ chuyện đi lại về Tết, gia đình tôi gồm vợ chồng và hai con nhỏ phải mất gần 20 triệu đồng. Làm cả năm cũng không thể dư dả nhiều đến mức này để chi cho khoản vé máy bay”.

Tính đến thời điểm này đã có ba hãng hàng không trong nước mở bán vé máy bay cho dịp Tết là VietJetAir, Air Mekong và Jetstar Pacific. Riêng Vietnam Airlines dự kiến đầu tháng 11 mới chính thức mở bán.

Ghi nhận từ website của các hãng hàng không cho thấy ở các chặng bay từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng… có tìm đến đỏ mắt cũng không thấy vé giá rẻ nào. Ngay cả hai hãng hàng không giá rẻ VietJetAir và Jetstar Pacific lúc này cũng chỉ còn hạng thường. Chẳng hạn, chặng TP.HCM - Hà Nội vào những ngày cao điểm Tết 2013 từ ngày 2 đến 9-2 (tương đương từ ngày 22 đến 29 âm lịch), giá vé một lượt (đã bao gồm thuế, phí) đã vào khoảng 3 triệu đồng. Còn vé ở Vietnam Airlines cùng thời điểm chỉ còn hạng thương gia, khoảng 5 triệu đồng cho một lượt (chưa tính thuế, phí). 

Khi nào người dân còn phải tranh mua thì giá vé máy bay Tết còn đắt. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh do Jetstar Pacific cung cấp.

Chị Nguyễn Thanh Kiều, nhân viên một đại lý bán vé tư nhân tại quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết do Vietnam Airlines chưa bán vé Tết nên nhiều khách hàng chọn mua của các hãng giá rẻ trước để yên tâm hơn dù giá khá cao, có thể nói là ngang ngửa với mức giá của hàng không truyền thống.

Tính cao để “lấy đầu này đắp đầu kia”

Tuy nhiên, các hãng hàng không này đều cho rằng các mức giá vé trên chỉ giúp họ “dễ thở” hơn một chút.

Ông Trương Thành Vũ, Phó Giám đốc thương mại của Air Mekong, cho biết: “Kinh tế khó khăn, năm vừa rồi kinh doanh hàng không sụt giảm. Chín tháng đầu năm tại Air Mekong, tổng vận chuyển hàng không nội địa không tăng. Nay ngay cả dịp Tết, tôi cũng không đánh giá tình hình khả quan vì nhiều người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp khó khăn không thưởng Tết thì nhu cầu đi lại Tết bằng máy bay có thể không lớn so với năm ngoái”.

Về vấn đề các hãng đều đưa ra giá vé Tết cao, không có sự cạnh tranh, ông Vũ nói các hãng bán mức giá cao ở chiều đi đông khách (từ TP.HCM trở ra) nhưng ở chiều ngược lại, cùng ngày, lại vắng khách. “Do chiều đi ngược lại không có khách nên các hãng không bù đủ chi phí. Hiện chúng tôi đang tính làm sao để có khách cho chiều này chứ không thì gay go lắm” - ông Vũ nói thêm.

Đại diện một hãng hàng không khác cũng nói thực tế năm qua kinh doanh hàng không không có lãi, thậm chí còn lỗ. Vì vậy, nhu cầu lớn trong dịp Tết là lúc các hãng đẩy giá lên cao để bù đắp chi phí. “Chiều bay từ TP.HCM đi ra vào những ngày cao điểm ít giá rẻ vì các hãng phải phân bổ cho chiều ngược lại bị ế để thu hút người dân” - vị này nói.

Thị trường cạnh tranh còn khiếm khuyết

Lý giải về việc các hãng hàng không cùng đưa ra mức giá cao và không cho thấy sự cạnh tranh về giá trong dịp Tết, TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế Luật TP.HCM), một chuyên gia về cạnh tranh, cho rằng bản chất là do thị trường hàng không đang khiếm khuyết.

Theo TS Sơn, khi một thị trường chỉ tồn tại “mẹ” và “con lớn” (Vietnam Airlines và Jetstar Pacific), nay thêm hai "đứa bé” mới chào đời (VietJetAir và Air Mekong) thì chẳng có lý gì họ phải cạnh tranh và định giá khác nhau.

Một nguyên nhân khác là nhu cầu đi lại bằng máy bay của người Việt Nam rất lớn, các hãng hàng không chưa thể đáp ứng đủ. “Khi khách hàng tranh mua thì người bán cạnh tranh giá vé làm gì? Thị trường khiếm khuyết cạnh tranh không phải chỉ ở cách tổ chức mà còn do quan hệ cung cầu. Thậm chí, giờ ví như Vietnam Airlines có đưa ra giá 5 triệu đồng/vé thì người dân cũng phải đi thôi” - ông Sơn giải thích.

Từ đây, theo TS Sơn, cách tốt nhất để ngành hàng không đáp ứng được nhu cầu người dân là kêu gọi thêm đầu tư, có thể là các công ty nước ngoài vào khai thác. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải nâng cấp đội ngũ máy bay. “Vấn đề không chỉ để giải quyết cho cái Tết năm nay mà là phải xây dựng và phát triển ngành hàng không về lâu dài, làm sao cân bằng được quyền lợi của mọi chủ thể. Nếu không giải quyết được thì giá vé chỉ có tăng và tăng mà thôi!” - TS Sơn khẳng định.

Siết nhập cư sẽ sinh chạy chọ

17:57 |

 Nếu dùng biện pháp hành chính để hạn chế nhập cư vào nội thành Hà Nội sẽ không có hiệu quả, vì có thể giảm về mặt sổ sách, nhưng thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức.
Đây là ý kiến của một số đại biểu đưa ra khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô, sáng 5.11.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) khẳng định: về bản chất, mục tiêu việc đưa ra những điều kiện để nhập cư nhằm hạn chế việc nhập cư chứ không phải là quản lý dân cư. Nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực như lao động, việc làm, thu nhập, điều kiện xã hội sống, điều kiện hưởng thụ, các phúc lợi công cộng của người dân, đặc biệt là chính nhu cầu lao động nhập cư để phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.


Đại biểu Quốc hội lo siết nhập cư sẽ sinh "chạy chọt"
“Nếu chúng ta dùng biện pháp hành chính để quản lý thì nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng lo ngại “do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như “chạy” các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô vì đối với dân cư không chính thức sẽ phải đối mặt với các bất lợi trong việc làm, thu nhập, trong hưởng các phúc lợi xã hội khác do không có hộ khẩu tại Thủ đô Hà Nội”.

Vì vậy, đại biểu này cho rằng thực tiễn trong chính sách quản lý bằng hộ khẩu trước đây đã có nhiều bất cập, nên khi Quốc hội ban hành Luật Cư trú thì đã không áp dụng biện pháp này để hạn chế việc nhập cư.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng đề nghị cách tiếp cận tăng cường năng lực quản lý để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của người dân khi gia nhập vào đời sống của Thủ đô.

“Tất cả những giải trình của cơ quan soạn thảo chia sẻ những thực tiễn hiện nay và chúng ta cũng thấy sự xung đột giữa giải pháp này với quyền tự do cư trú của người dân cũng như những điều liên quan đến Luật cư trú. Có lẽ đó là một lý do mà chúng ta phải xây dựng luật để bảo đảm sự tương tác giữa các luật khác nhau, vì nếu giữ pháp lệnh thì rõ ràng là một điều không thể thực hiện được”, ông Quốc nói.

Đại biểu này cũng cho rằng bên cạnh những chế tài để chúng ta hạn chế có điều kiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nội đô thì chúng ta phải có những giải pháp, những chế tài đi cùng với nó là những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra một không gian rộng lớn còn lại.

“Chúng tôi nghĩ đây là một điều hết sức quan trọng, bởi vì cũng như chúng ta chỉ có thể đấu tranh chống tiêu cực bằng cách xây dựng những điều tích cực hơn mà thôi. Người dân thì có một nguyên lý rất đơn giản “đất lành chim đậu”, nếu chúng ta xây dựng được những cơ sở hạ tầng, xây dựng những chính sách tốt thì chắc chắn người dân không phải ai ai cũng muốn co cụm lại trong thủ đô mà hiện nay còn rất nhiều khó khăn.
theo : DVO 

Sĩ tử đạp xe 300km nhập viện khoa thần kinh

17:45 |
Không lâu sau khi  Ngô Văn Thuận, cậu học trò nghèo "đạp xe 300 km" từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học, phải vào điều trị tại khoa thần kinh, Bệnh viện Quân y 103.

Ông Ngô Văn Quý (bố của Thuận) cho biết, ngày 3/10, gia đình được trường thông báo, Thuận phải nhập viện. Sáng hôm sau, ông bắt xe ra Hà Nội và được biết con trai đang điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện 103.
"Ra đó, tôi thấy cháu nằm lịm đi trên giường, không biết gì. Nghe các bác sĩ nói cháu bị dấu hiệu thần kinh hoang tưởng, tôi rất lo lắng. Hy vọng lớn nhất của vợ chồng tôi là Thuận sớm bình phục để trở lại trường học tập", ông Quý nói và cho hay, Thuận chưa từng có tiền sử hay biểu hiện của bệnh thần kinh.
Từ ngày con trai phải nằm viện, ông Quý và vợ lần lượt ra bệnh viện chăm sóc. Cuối tháng 10, khi sức khỏe của Thuận đỡ hơn, ông bà mới về nhà và để cậu ở lại bệnh viện một mình.
Một bác sĩ của khoa Thần kinh cho biết, tình trạng của Thuận đã đỡ hơn trước. Hàng ngày, sau giờ ăn cơm và uống thuốc, Thuận đi dạo quanh khuôn viên hoặc ngồi lặng lẽ trong phòng và ít chuyện trò. Cổng vào khu A6, khoa Thần kinh luôn được khóa để bệnh nhân không trốn ra ngoài. Bởi vậy, mọi sinh hoạt và giao lưu của người bệnh chỉ diễn ra bên trong cánh cổng sắt.

Dáng vẻ chậm chạp, lờ đờ, khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, Thuận lật đật ra ghế đá ngồi. Đôi mắt nhìn xa xăm, cậu học trò xứ Nghệ lắp bắp nói chuyện. Thuận chia sẻ, sau khi nhập học được khoảng một tuần, cậu bỏ trốn khỏi trường.
"Lúc ấy em không phải là mình nữa. Em chỉ có suy nghĩ trốn về nhà. Sáng hôm em bỏ đi, nhiều người trong trường đã đuổi theo để giữ lại. Lúc sau, có một anh trong trường đã giữ được em. Hôm sau thì em nhập viện", Thuận kể.

Thuận cho hay, bản thân cũng không hiểu nổi vì sao có suy nghĩ chán học và muốn về nhà. Theo Thuận, trước hôm bỏ trốn, mọi chuyện với cậu diễn ra bình thường, trừ hiện tượng mệt mỏi và toàn thân run lẩy bẩy về đêm. Nam sinh này cho biết thêm, năm lớp 12, cậu cũng hay bị run rẩy như vậy.



Trước lúc nhập học, Thuận vẫn ra đồng làm thêm giúp bố mẹ. Ảnh: Nguyên Khoa.

Nhớ lại lúc nhận được quyết định vào học trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Thuận nhoẻn miệng cười: "Khi đó em hạnh phúc lắm. Em nhập viện đã hơn một tháng nay, vẫn muốn đi học lắm nhưng em sợ bệnh lại tái phát. Buồn, tiếc nhưng bệnh tật vậy phải chấp nhận thôi. Em định sẽ xin ra quân để đi học nghề, có thể em sẽ học điện dân dụng".

Hiện tại, một ngày của cậu học trò nghèo tại khoa Thần kinh chỉ quanh quẩn với ăn, ngủ, uống thuốc và đi dạo. "8h tối là em đi ngủ vì ở đây chẳng có việc gì làm. Bố mẹ em cũng ra thăm em vài hôm là lại về", Thuận nói và chia sẻ thêm, từ khi biết cậu bị bệnh, bạn gái quen trong thời gian thi đại học cũng đã chia tay.

Hiện, Bệnh viện Quân y 103 chưa có phát ngôn chính thức nào về tình trạng sức khỏe của Ngô Văn Thuận vì cần phải có "giám định khoa học" trước khi đưa ra kết luận.

Tháng 7 vừa qua, Ngô Văn Thuận một mình đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học với 30.000 đồng trong túi. Dự định ngủ lại bên vệ đường hoặc vào chùa xin ngủ nhờ, nhưng Thuận may mắn gặp được người công an tốt bụng, đưa về nhà ăn nghỉ, rồi cho tiền để đi xe về quê sau khi thi xong.

Khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn và biết mình không đỗ, Thuận ra chợ Vinh làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em học, dự định năm sau sẽ thi tiếp. Tuy nhiên, với 14 điểm, Thuận đủ điểm đỗ trường Tăng Thiết giáp nên được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định đặc cách.
theo : yume

Công bố số nợ của Việt Nam

20:12 |

Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tình hình nợ công của Việt Nam. Theo đó, nhu cầu đầu tư tăng, GDP không đạt kế hoạch, xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục.
Hoàn thành ngày 30/10, báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Năm nào Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội, song báo cáo năm nay chi tiết hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét.


55 dự án có nợ quá hạn
Về kết quả huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ, báo cáo cho biết, tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài tính đến cuối năm 2011 đạt 71,7 tỷ USD, trong đó số vốn đã được ký kết (thông qua các hiệp định vay/thoả thuận viện trợ không hoàn lại) là 54,1 tỷ USD. Vốn ODA đã được giải ngân cho các chương trình, dự án là 33,41 tỷ USD.

Phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng và và dự kiến năm 2012 là 120.000 tỷ đồng.

Vẫn tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỷ USD, tổng số vốn đã rút là 3,06 tỷ USD, dư nợ là 2,9 tỷ USD.

68% dư nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ được đưa vào cân đối ngân sách, 32% cho vay lại các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn, báo cáo phân tích.

Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Cũng tính đến ngày cuối cùng của năm trước, tổng trị giá vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân để cho vay lại tương đương 12,6 tỉ USD. Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP, tập trung vào điện, dầu khí, công nghiệp tàu thủy, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp, xi măng, phát triển hạ tầng đô thị…

Theo đánh giá của Chính phủ, các dự án này hoạt động có hiệu quả, việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, trong số 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn đến 31/12/2011 là 55 dự án, với số dư nợ gốc quá hạn chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay lại.

Không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước trong 10 năm qua luôn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 20% tổng thu ngân sách nhà nước), báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng cho biết, đến 31/12/2011, có 91 dự án đã được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng trị giá vốn cam kết là 10,468 tỷ USD, trong đó có 20 dự án đã hoàn trả hết nợ.

Còn số dự án vay trong nước của các doanh nghiệp được cấp bảo lãnh đến 31/12/2011 là 16, với tổng số vốn cam kết là tương đương 3,21 tỷ USD (có 8 dự án đã trả hết nợ). Tổng số đã giải ngân đến hết năm trước là 2,24 tỷ USD và dư nợ gốc là 1,45 tỷ USD.

Đáng quan ngại ở lĩnh vực này là có 5/16 dự án xi măng và 2/4 dự án ngành giấy... gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, bộ, ngành chủ quản để thực hiện tái cơ cấu tài chính các dự án này.

Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP

Vẫn lấy thời điểm đến ngày 31/12/2011, Chính phủ cho biết tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010. Trong đó, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% và bằng 43,1% GDP. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 21% và bằng 11,7% GDP. Nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 1,0% và bằng 0,5% GDP.

Về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28%. Còn trong số các chủ nợ nước ngoài thì Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á chiếm 8% và còn lại từ các chủ nợ khác.

Tình hình vay nợ, tính đến 31/12/2011:

● Tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài là 71,7 tỷ USD

● Tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỷ USD

● Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP

● Trong số 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn là 55 dự án


● Tổng số dư nợ công bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công

Cùng với xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục thì chi phí vay nợ cũng có xu hướng gia tăng, theo phân tích tại báo cáo.

 Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Bên cạnh đó, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

Chính phủ cũng cho biết sẽ chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay trong nước.

Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ.

Sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, Chính phủ khẳng định.

Giá vàng tuần tới tăng hay giảm?

20:26 |

Khảo sát mới đây trên Bloomberg cho thấy, có 12/31 thương nhân và các nhà phân tích cho rằng vàng sẽ tăng trong tuần tới, 11 người đoán giá giảm và 8 người cho ý kiến trung lập.
Ở phiên cuối tuần, trên sàn Comex, New York, các hợp đồng vàng có kỳ hạn tăng tới 7,4% lên mức 1.682,9 USD/ounce.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã nói với các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế tại cuộc họp diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming trong ngày 31/9, rằng sẽ mua trái phiếu nhiều hơn là một trong những lựa chọn mà ngân hàng trung ương cân nhắc bước tiếp theo để thúc đẩy nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tiếp tục đưa ra những tín hiệu tiếp theo về gói nới lỏng tiền tệ vào ngày 12-13 tháng 9 tới.
Theo khảo sát trên Kitco News Gold Survey, trong tổng số 33 người tham gia, có 24 người trả lời trong tuần này. Trong số 24 người tham gia, 15 người đoán giá tăng, trong khi có 6 người đoán giá đi xuống và 3 người cho ý kiến trung lập hoặc cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Tham gia thị trường vẫn bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, thương nhân tương lai, các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích kỹ thuật.


Giá vàng trong nước lại tăng nhanh hơn vàng thế giới tới hơn 2 triệu đồng
Các nhà phân tích cho rằng, chỉ cần gói nới lỏng định lượng được gợi mở ra thôi cũng khiến giá vàng có thể tiếp tục tăng điểm. Spencer Patton, người sáng lập và giám đốc tài chính tại Steel Vine Investments, cho biết, trong khi Bernanke đã không chính thức công bố gói nới lỏng định lượng trong bài phát biểu của mình, nhưng thị trường vẫn hiểu rằng điều này sẽ diễn ra, do đó giá vàng vẫn tăng mạnh trong tuần này và có thể tăng cả trong tuần tới.
Một số người đoán giá đi xuống cho rằng vàng có thể gặp phải một số lực chốt lời sau khi giá đã tăng liên tiếp trong hai tuần qua. Mark Leibovit, biên tập viên VR Gold Letter, cho rằng vàng có thể giảm trở lại mức 1.625 USD/ounce (tương đương gần 41 triệu đồng/lượng).

Thị trường vàng trong nước hiện lại có mức tăng nóng hơn khi giá vàng thế giới gần chạm mốc 1.700 USD/ounce. Trong phiên cuối tuần, giá vàng vượt nhanh qua mốc 45 triệu đồng/lượng. Trong khi nếu tính quy đổi theo tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại, giá vàng quốc tế chỉ có giá tương đương khoảng hơn 42,5 triệu đồng/lượng.

Tính đến cuối ngày thứ 7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội, mua vào - bán ra ở mức 44,9 - 44,15 triệu đồng/lượng. Tại thị trường TP.HCM, vàng SJC cũng có giá khoảng 49,95 - 45,15 triệu đồng/lượng. Vàng SJC giao dịch tại ngân hàng ACB có giá bán cao hơn khoảng 45,2 triệu đồng/lượng, chiều mua vào có giá 44,9 triệu đồng/lượng.

Moody’s tiếp tục xếp hạng tín nhiệm Sacombank 'triển vọng ổn định'

20:22 |

 Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s tiếp tục giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với Sacombank là triển vọng ổn định trong bối cảnh Việt Nam vừa bị giảm 10 bậc xuống vị trí thứ 75 trong số 144 nền kinh tế về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2012 – 2013.
Xếp hạng này của Moody’s phản ánh chất lượng hoạt động kinh doanh và tốc độ phát triển khả quan của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trước những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và thế giới hiện nay.  Theo đó, năng lực tín dụng độc lập của Sacombank tiếp tục được Moody’s đánh giá ở mức E+, tương đương với xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức b1.


Moody’s nhận định những thế mạnh của Sacombank tại thời điểm hiện tại gồm: thứ nhất, về chất lượng thị phần, Sacombank đang có mạng lưới điểm giao dịch, ATM vào bậc nhất và tổng tài sản đứng thứ 6 ở Việt Nam; thứ hai, danh mục cho vay đa dạng, trong đó tín dụng tiêu dùng chiếm 1/3; thứ ba, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với tỷ lệ bình quân toàn ngành và tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay cao trên mức trung bình.

Quyết định giữ nguyên hạng tín nhiệm đối với Sacombank còn được Moody’s xem xét dựa vào các yếu tố: chất lượng tài sản suy giảm xét theo số lượng nợ xấu được công bố (NPLs) cũng như nợ xấu tiềm năng và tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay đang giảm; khả năng hấp thụ rủi ro cũng như tỷ lệ cho vay tập trung một khách hàng đơn lẻ có mức độ vừa phải so với các ngân hàng trên thế giới; những thách thức gắn liền với môi trường kinh doanh trong nước chưa thuận lợi.

Ngoài ra, định hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ được Moody’s đánh giá ở mức B1/B2 – mức tín nhiệm cao nhất dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Moody’s cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của Sacombank cao hơn các ngân hàng nội địa khác và trạng thái thanh khoản của Sacombank đang có cải thiện, nguyên nhân chính là do tiền gửi cá nhân và tổ chức tăng trưởng 16%, trong khi danh mục cho vay thu hẹp khoảng 3% so với đầu năm.

Bên cạnh việc được Moody’s đánh giá triển vọng ổn định tại lễ công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam số thứ 3", Sacombank đã được xếp loại A - mức cao nhất - về năng lực cạnh tranh trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Việc xếp hạng năng lực cạnh tranh của Sacombank dựa trên cơ sở phân tích ước lượng các nhóm tiêu chí về sức mạnh thị trường và năng lực tài chính cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Theo phân loại của các tác giả nghiên cứu, Sacombank được xếp vào nhóm ngân hàng có năng lực cạnh tranh cao thông qua thế mạnh về thị phần, năng lực tài chính ổn định, hoạt động kinh doanh hiệu quả và có tiềm năng phát triển dài hạn.

Sợ 'đòn' của Bí thư Đà Nẵng, NH hạ lãi suất

19:06 |

Sau hơn 20 ngày Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dọa “ra đòn” tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngân hàng hôm 7/9, đến sáng 27/9, các ngân hàng tại Đà Nẵng đã đồng loạt hạ lãi suất…
Sau hơn 20 ngày Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dọa "ra đòn" tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các ngân hàng hôm 7/9, đến sáng 27/9, các ngân hàng tại Đà Nẵng đã đồng loạt hạ lãi suất...

Giám đốc Chi nhánh NHNN tại Đà Nẵng Võ Minh cho biết, qua báo cáo của các ngân hàng trên địa bàn thành phố đến thời điểm này có 60% số chi nhánh NH TMCP đã giảm lãi suất cho vay về 15% đối với dư nợ cũ và nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 9% với dư nợ vay mới.

Trong số các đơn vị hạ lãi suất, có nhiều Chi nhánh NH như Techcombank Đà Nẵng đã thông báo LS cho vay thấp hơn 15%/năm. Các chi nhánh Ngân hàng An Bình, VPBank, GPBank cũng hạ lãi suất.

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng TMCP Liên Việt Đà Nẵng cho biết, ngân hàng này đã triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt như giảm lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để kích cầu với mức lãi suất 13%.
Theo nhiều ngân hàng cổ phần, các ngân hàng lớn quốc doanh cũng đã đồng loạt hạ lãi suất nên buộc họ cũng phải hạ lãi suất xuống mức 14-16%/năm và 13% đối với các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh xuất khẩu, các DN nhỏ và vừa...


Đại diện Ngân hàng An Bình cho biết: Nếu lãi suất cho vay giảm xuống mức 12 - 13% thì ngân hàng không có lãi bởi do quá nhiều chi phí huy động vốn. Nhưng ngân hàng vẫn phải giảm lãi suất để chia sẻ cùng DN và thực hiện chủ trương chung.

Theo ông Minh, trong thời gian tới, các ngân hàng còn lại sẽ phải đồng loạt giảm lãi suất theo lộ trình.

Bên cạnh đó, các DN cũng đều rất trông đợi gói hỗ trợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, theo đó sẽ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng được giải ngân để ứng vốn cho DN.

Đại diện một số nhà băng "đại gia" cũng ra tuyên bố họ không thiếu vốn cho doanh nghiệp vay mở rộng kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, với việc hạ lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, việc siết chặt hồ sơ, thủ tục của các nhà băng sẽ khiến những doanh nghiệp yếu, không có tài sản thế chấp cũng khó tiếp cận nguồn vốn rẻ này là điều chắc chắn.

Trước đó, tại buổi đối thoại ngân hàng với DN, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: "Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên, tuổi từng ngân hàng giữa cuộc họp HĐND để cho toàn dân biết. Đến lúc đó, người dân sẽ hiểu và chắc chắn họ sẽ không đem tiền đến gửi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống thế nào? Doanh nghiệp sống, ngân hàng sống, còn ngược lại khi DN chết thì ngân hàng cũng sập tiệm chết theo... ", ông Thanh nói.

'Cuộc chiến' thanh lọc nhân sự ngành ngân hàng

19:01 |

Tình trạng cắt giảm nhân sự ngân hàng đang diễn ra như một cơn sóng ngầm trong bối cảnh tái cấu trúc lại hệ thống.
Công khai danh tính 26 tổ chức tín dụng bị liệt vào 'sổ đen'
Bất ổn thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng nhận lỗi

Theo phản ánh của nhân viên một số ngân hàng, có một số nhà băng hiện đang lên danh sách cắt giảm nhân sự với số lượng lớn hay diễn ra sự "thanh lọc" với quy mô lớn.

Trong khi đó, tại một số ngân hàng nhân viên bị cắt giảm sẽ tạm thời bị chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng thời vụ hay dù không bị ép nghỉ việc nhưng với việc lương giảm đáng kể, tiền thưởng bị cắt hẳn, hợp đồng lao động mãi không được gia hạn nên nhiều người đã phải tự nguyện xin nghỉ.

Theo nhìn nhận của một lãnh đạo ngân hàng cổ phần nhỏ tại TPHCM, hiện nay kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng đến mức báo động... Vị lãnh đạo này thẳng thắn, bây giờ các ngân hàng hầu hết đều không có lợi nhuận, các con số báo cáo định kỳ đa phần là ảo.

Theo bà, tình cảnh trên kéo dài từ năm ngoái, và các hiện nay các ngân hàng hầu như chỉ cố gắng lấy ngắn nuôi dài, loay hoay đảo nợ, cơ cấu,... chờ đợi hết suy thoái, khủng hoảng và cắt giảm chi phí triệt để. Vì thế mới có chuyện giảm biên chế, giảm lương.


Bà dự báo, từ giờ tới năm sau, ngành ngân hàng phải sa thải khoảng 1/4 số nhân viên và cắt giảm khoảng 1/3 thu nhập của ngành.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn nhìn nhận, trong thời điểm bình thường, việc đào thải những nhân sự yếu để thay vào người giỏi hơn cũng thường xuyên xảy ra.

Giờ đây, tiến trình cấu trúc lại hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ thì việc một số nhà băng giảm 10-15% nguồn nhân lực cũng là điều bình thường.

Riêng OCB, ông Tuấn cho biết, nhà băng mình vừa mới qua giai đoạn cấu trúc lại hệ thống suốt 2 năm qua và đây là thời điểm phải đẩy mạnh phát triển. Do đó, hiện Phương Đông không có tình trạng giảm biên chế, sa thải nhân viên.

Tương tự, đại diện TienPhong Bank cho hay, nhà băng vừa trải qua giai đoạn tự tái cấu trúc nên bây giờ là lúc ngân hàng tăng tốc và càng cần người. "Chúng tôi đang trong quá trình ổn định và phát triển nên sẽ tuyển dụng thêm rất nhiều các vị trí từ cấp nhân viên đến quản lý. Sắp tới, TienPhong Bank dự kiến sẽ tuyển thêm 30% nhân viên kinh doanh để tăng tốc bán hàng", nguồn tin này cho biết.

Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn thì cho rằng, do dự đoán trước được tình hình nên nhà băng này đã có kế hoạch về nhân sự khá hợp lý trước đó, không tiếp nhận nhân sự quá nhiều nên giờ không xảy ra tình trạng "thừa người" và phải cắt giảm.

Ông cho biết, trong năm nay, NamABank chỉ có điều chỉnh, luân phiên nhân viên tới những vị trí phù hợp hơn, hoặc những người nào chưa đạt yêu cầu thì cho đào tạo lại để nâng cao năng lực và tiếp tục công tác, ngoại trừ những nhân viên vi phạm thì mới cho thôi việc.

Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng khẳng định sẽ giữ lời cam kết không sa thải bất cứ một nhân viên nào dù ngân hàng đang gặp khó khăn và vừa có kết quả thua lỗ trong quý III.

"Thời gian tới chúng tôi không có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Để hợp lý hóa chi phí, ACB sẽ tìm cách tăng năng suất, chất lượng của nhân viên", ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB nói.

Trong khi đó, mặc dù có tin đang cắt giảm nhân sự hàng loạt và ép người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc nhưng đại diện Ngân hàng thương mại Đông Nam Á (SeaBank) vẫn cho biết thời điểm này không có chiến lược cắt giảm.

Lãnh đạo Maritime Bank cũng cho biết, tổng nhân sự của ngân hàng đến nay vẫn gần 4.000 người, trong đó hợp đồng thử việc và thời vụ chỉ chiếm 5%. Đại diện nhà băng này cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ không mở rộng tuyển thêm, dự kiến chỉ tuyển thêm khoảng 1%.

Lý giải việc nhân viên bảo có, ngân hàng bảo không trong câu chuyện cắt giảm nhân sự này, phó phòng quản trị nguồn nhân lực của một ngân hàng cho rằng, đây là việc dễ hiểu bởi các ngân hàng không muốn gây hoang mang cho nhân viên trong thời điểm này và chưa kể, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên sau này.

Trước thực tế trên, ông Lưu Trung Thái, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), người đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán MB cũng bày tỏ, bài toán sàng lọc nhân sự chắc chắn cần được đặt ra trong bối cảnh lợi nhuận các ngân hàng ngày một sụt giảm, thách thức tăng lên.

"Thách thức lớn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hiện nay là doanh thu, các chỉ tiêu kinh doanh giảm, nên phải điều chỉnh kế hoạch về chi phí.

Thậm chí, kể cả trong điều kiện kết quả kinh doanh tốt, có thể chính sách nhân sự mỗi nơi khác nhau nhưng tôi tin các tổ chức, ngân hàng đều xác định tỷ lệ sàng lọc nhất định, thường tiêu chuẩn là 5-10%", ông Thái nói.

Giá vàng “nội” phục hồi, cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng

01:39 |

 Mở cửa thị trường vàng sáng nay 27/10, giá vàng SJC điều chỉnh tăng gần 100.000 đồng/lượng so với chiều qua, lên mức 46,35 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 3 triệu đồng/lượng.


Mở cửa thị trường lúc 9h sáng nay 27/10, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty VBĐQ Phú Quý niêm yết giao dịch ở mức 46,22 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 80.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.
Cũng tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết ở mức 46,23 triệu đồng/lượng - 46,35 triệu đồng/lượng, cũng tăng 80.000 đồng/lượng.

Tại TPHCM, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 46,2 triệu đồng/lượng - 46,35 triệu đồng/lượng, tăng 60.000 đồng/lượng so với chiều qua.

Hiện tại, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 3 triệu đồng/lượng. So với thứ 7 tuần trước, giá vàng hiện “rẻ” hơn 350.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, sáng nay, giá vàng giao ngay trên Kitco đứng ở 1.711,1 USD/ounce. Trong tuần này, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, tuần giảm thứ 3 liên tiếp và là đợt giảm dài nhất hơn 1 năm.

Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 giảm 0,1% phiên cuối tuần xuống còn 1.711,9 USD/ounce; còn đầu phiên, giá vàng có lúc xuống 1.701,4 USD/ounce.

Dù điều chỉnh giảm nhưng giá vàng cũng đã lấy lại được mốc trên 1.710 USD/ounce, khi Bộ Thương mại Mỹ hôm qua cho biết: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III tăng 2%, so với 1,3% trong quý II. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý này của Mỹ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thất nghiệp, hiện vẫn duy trì ở mức 8%. Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, để giảm tỷ lệ thất nghiệp, kinh tế Mỹ cần tăng trưởng với tốc độ 2,5% trong một vài quý tới.

Tính chung tuần này, giá vàng giao tháng 12 giảm 0,7%, là tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Giới chuyên gia cho hay, mức giảm 0,7% của giá vàng một phần ảnh hưởng bởi có thông tin ông Ben Bernanke sẽ không tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 làm Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kể cả khi ông Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Nhà đầu tư lo ngại, các kích thích tiền tệ từ Fed sẽ giảm đi đáng kể nếu ông Bernanke không tiếp tục lãnh đạo. Trong khi đó, các gói nới lỏng tiền tệ của Fed luôn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng.

Trên đồ thị kỹ thuật, giá vàng hiện đang chịu áp lực sau vài lần thất bại trong việc bứt phá ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce. Triển vọng giá vàng cũng chịu tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vào ngày 6/11.

Xăng dầu trong nước quyết neo giá

01:35 |

Giá xăng dầu trong nước sẽ không giảm, bất chấp giá thế giới rơi liên tiếp một tuần qua - Bộ Tài chính đã quyết định như vậy ngay từ đầu tuần. Với doanh nghiệp, một lít xăng lãi vài chục đến vài trăm đồng hiện nay chỉ là danh nghĩa.
 
Chỉ là lãi danh nghĩa
 
Hiếm khi nào, các quyết định mới về điều hành giá xăng dầu lại được Bộ Tài chính giữ kín trước các phương tiện thông tin đại chúng như vậy.
 
Thứ hai đầu tuần này, 22/10, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp đầu mối yêu cầu tiếp tục giữ giá bán lẻ ổn định. Đây là phương án điều hành dựa trên diễn biến giá thế giới 30 ngày qua và có sự thống nhất với Bộ Công Thương.
 
Cơ quan này cũng thông báo, áp dụng công thức tính giá cơ sở của Nghị định 84 nhưng loại trừ khoản 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và bù thêm từ Quỹ bình ổn 500 đồng/lít thì giá bán lẻ xăng dầu đã có lãi chút ít. 
Cụ thể, so với giá cơ sở, giá bán lẻ tính tới ngày 21/10 của dầu madut cho thấy đã dương 664 đồng/kg, là mặt hàng lãi nhất. Mặt hàng lãi thứ hai là dầu diezen, dương 220 đồng/lít, kế tiếp là xăng A92 dương 92 đồng/lít. Lãi thấp nhất là dầu hỏa, giá bán lẻ chỉ dương 75 đồng/lít so với giá cơ sở.
 Đồng thời với lệnh giữ giá trên, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức xả bù từ Quỹ bình ổn đối với dầu madut - mặt hàng đang có thuận lợi nhất - từ 500 đồng/kg hiện hành xuống còn 200 đồng/kg. Ba mặt hàng xăng dầu còn lại vẫn tiếp tục được bù 500 đồng/lít từ Quỹ bình ổn. Thời gian áp dụng từ 16h ngày 22/10/2012.
 
Có thể thấy, ngay trong cách tính trên, số lãi của các mặt hàng xăng dầu về bản chất là nhờ vào các công cụ điều tiết của Bộ Tài chính chứ không phải là kết quả kinh doanh thực sự.
 
Nếu không bù từ Quỹ, dầu madut chỉ còn lãi 164 đồng/kg. Dầu diezen sẽ chuyển sang lỗ 280 đồng/lít, dầu hỏa sẽ lỗ tới 425 đồng/lít và xăng A92 lỗ 408 đồng/lít.
 
Còn nếu áp dụng đúng công thức tính giá cơ sở của Nghị định 84, nghĩa là có khoản lợi nhuận định mức trong kết cấu tính giá, thì con số lỗ của doanh nghiệp xăng dầu còn lớn hơn nhiều.
 
Gần 2 tháng qua, Bộ Tài chính liên tiếp ra 3 công văn yêu cầu giữ giá xăng dầu Lần cho phép tăng giá cuối cùng là ngày 28/8, với mức kiềm chế tăng chỉ bằng 50% mức lỗ.
 
Như tinh thần công văn hôm 9/10, cơ quan này còn khẳng định: "Nếu không bù từ Quỹ bình ổn, giá xăng dầu chỉ có tăng chứ không giảm!"

  
 Tuy nhiên, ngay sau lệnh điều hành trên, thị trường xăng dầu trên thế giới đảo chiều đi xuống - một tín hiệu tích cực cho kỳ vọng hạ nhiệt giá trong nước.
 
Tại Singapore, giá xăng dầu thành rơi liên tiếp trong suốt một tuần qua, biên độ chênh lệch có ngày tới 2-3 USD/thùng. Dấu mốc cho sự đi xuống này là kể từ ngày 17/10, khi đó, xăng vẫn duy trì trên ngưỡng 120 USD/thùng và dầu vẫn trên mức 130 USD/thùng.
 
Đến ngày 22/10, đúng thời điểm có động thái mới của Bộ Tài chính, giá xăng A92 thành phẩm chỉ còn 116,48 USD/thùng, hạ tới 8,36 USD/thùng so với 1 tuần trước đó.
 
Giá dầu diezen thành phẩm là 128 USD/thùng, giảm tới 3,67 USD/thùng; dầu hỏa khi đó có giá 129,14 USD/thùng, giảm 3,4 USD/thùng. Dầu madut cũng giảm tới 10,95 USD/tấn, chỉ còn mức giá 648,38 USD/tấn.
 
Sự tụt dốc không phanh này diễn ra càng rõ nét hơn trong 3 ngày đầu tuần này. Trong vòng 2 ngày, tính đến 24/10, xăng A92 thành phẩm hạ tiếp tới 3,3 USD/thùng, chỉ còn 113,2 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Dầu diezen cũng chỉ còn 125,6 USD/thùng, hạ 2,4 USD so với thứ 2 đầu tuần. Dầu hỏa hiện giữ giá 126,26 USD/thùng, giảm 2,28 USD và dầu madut giảm 10,59 USD/tấn.
 
Lý giải cho sự đi xuống này, Bloomberg cho hay do Mỹ đã tăng dự trữ dầu lên 5,9 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán 1,9 triệu thùng trước đó. Tính tới ngày 25/10, giá dầu Brent đã giảm 7 phiên và dầu thô giảm 5 phiên liên tiếp. Trên sàn Nymex, giá dầu thô Mỹ giao tháng 12 chỉ còn 85,73 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7.
 
Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex bày tỏ, nhờ xu hướng giảm mạnh nên mức lãi theo cách tính mới của Bộ Tài chính, không tính lợi nhuận định mức và bù từ Quỹ, đã tăng lên.
 
Ví dụ, tính tới ngày 24/10, giá xăng lãi 200 đồng/lít, dầu diezen lãi 300 đồng/lít, dầu hỏa lãi 100 đồng/lít. Riêng dầu madut lãi tới 400 đồng/kg.
 
Tuy nhiên, ông Năm khẳng định: "Về bản chất, kinh doanh xăng dầu không thể lãi như vậy". Nếu tuân theo đúng Nghị định 84, giá bán lẻ vẫn thấp hơn giá cơ sở từ 500-700 đồng/lít.
 
Theo ông, các chi phí trong kết cấu giá xăng dầu hiện nay đã lỗi thời, chưa được sửa đổi. Trong đó, khoản chi phí được nói đến nhiều nhất vẫn là chi phí kinh doanh, chiết khấu hoa hồng. Hai bộ Công Thương - Tài chính cũng đã dự kiến sẽ nâng từ mức 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít nhưng cho đến nay, sự điều chỉnh này vẫn nằm trên giấy.
 
Được biết, báo cáo nhanh tới Bộ Tài chính gần đây, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Petrolimex cho thấy, kinh doanh xăng dầu nội địa vẫn lỗ nặng nhưng nhờ tái xuất xăng dầu có lãi nên kết quả tổng hợp dự kiến lợi nhuận trước thuế vẫn dương.
 
Ông Năm cho biết, Nghị định 84 thực chất không có nhiều vấn đề phải sửa đổi như dư luận đang hiểu. Những điểm bất hợp lý trong cơ chế kinh doanh xăng dầu chủ yếu nằm ở các thông tư của các Bộ như việc trích - xã Quỹ bình ổn, chi phí hoa hồng. Vì vậy, không nhất thiết phải chờ sửa Nghị định 84, các Bộ có đủ thẩm quyền để điều chỉnh ngay các bất hợp lý trên.
 
Riêng về khả năng điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước, ông Trần Ngọc Năm thừa nhận: "Hầu hết các doanh nghiệp sẽ chờ động thái điều hành từ Bộ Tài chính!".
 
Cơ chế giá xăng dầu hiện nay đang có sự điều tiết từ Quỹ, thuế. Nếu giá thế giới hạ nhiệt tiếp thì động thái đầu tiên cần làm là ngừng xả Quỹ bình ổn trước. Sau đó, nếu Bộ Tài chính không tăng thuế thì các doanh nghiệp mới tính chuyện đăng ký giảm giá.
 

Thêm một "tập đoàn" đa cấp lừa đảo kiểu Muaban 24 bị đánh sập

01:32 |

 Với thủ đoạn huy động vốn đa cấp qua mạng internet, Công ty Cộng Đồng Việt đã vươn “vòi bạch tuộc” ra nhiều tỉnh thành để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Ngày 26/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác nhận, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về công nghệ cao (Bộ Công an) vừa xóa sổ thêm một công ty đa cấp mang tính chất lừa đảo là Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt (trụ sở chính số 87 đường Tân Sơn Nhì nối dài, Q.Tân Phú, TP.HCM) do Nguyễn Minh Thành làm giám đốc. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Song những bị can là lãnh đạo cấp cao của Công ty này đã bỏ trốn và hiện đang bị truy lùng ráo riết.


Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hoàng Vũ – là giám đốc công ty Tâm Mặt Trời



Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét trụ sở, nơi làm việc của lãnh đạo Công ty Cộng Đồng Việt, thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, sổ sách. Thống kê ban đầu, Cộng Đồng Việt có mạng lưới vươn ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Số nạn nhân bị Công ty này lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến gần một trăm ngàn người với số tiền chiếm đoạt hơn 400 tỉ đồng.

Thông tin ban đầu cho biết, tương tự như hoạt động lừa đảo của “tập đoàn đa cấp” Muaban 24, Tâm Mặt Trời vừa bị “xóa sổ” trước đó, Công ty Cộng Đồng Việt cũng hoạt động với hình thức huy động vốn qua mạng internet. Để thực hiện được hành vi này, lãnh đạo Cộng Đồng Việt mở nhiều chiêu quảng bá rộng rãi về hình thức kinh doanh góp vốn. Các “sếp” này luôn mở những lời có cánh để chiêu dụ “con mồi” như hứa hẹn sẽ chi trả gấp ba (cả gốc lẫn lãi) sau 6 tháng đóng tiền hay chỉ với 1,8 triệu đồng bạn sẽ có cơ hội chinh phục mức hoa hồng 2 – 16 tỷ đồng và nguồn thu nhập ổn định 500 triệu đồng/tháng…

Cộng Đồng Việt quy định, người góp vốn dưới dạng “mã” (1,8 triệu đồng/mã), ít nhất phải đầu tư 3 “mã” (tức 5,4 triệu đồng). Khi thành viên tham gia 3 “mã” lôi kéo thêm 4 “mã” nữa (tức 7 “mã” là 12,6 triệu đồng) thì người có công tạo hệ thống được thưởng 2 triệu đồng, gọi là thưởng bậc 1. Khi hệ thống người đó tạo lập được 49 “mã” (tức 88,2 triệu đồng) thì người đứng đầu hệ thống được thưởng bậc 2, với số tiền hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, những người tạo lập các nhánh góp vốn được hứa hẹn sẽ được thưởng nhiều phần thưởng có giá trị như: diện thoại xịn, iPad, xe gắn máy tay ga, xe ô tô du lịch đắt tiền…


Để tạo lòng tin từ những người tham gia vào hệ thống, các lãnh đạo công ty Cộng Đồng Việt dùng chiêu, khi người nào vừa đóng tiền tham gia trong vòng 3 ngày sẽ được trả liền 1/3 số tiền đã đóng góp và tiền được nhận chỉ được gọi là tiền lãi. Đánh trúng tâm lý ham lợi nhuận cao, hàng trăm nghìn người khắp cả nước đã “dính chấu” lừa đảo. Hám lợi, nhiều người tranh thủ đóng càng nhiều tiền càng tốt, lôi kéo thêm nhiều người thì càng được thưởng, số nạn nhân cứ như thế được nhân lên theo cấp số nhân, người ít cũng vài trăm triệu đồng, người nhiều thì lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên khi người tham gia vào chỉ nhân được mức lãi suất tượng trưng ban đầu, sau đó thì không ai nhận được bất kỳ khoản gì nữa dù gốc hay lãi. Mỏi mòn chờ đợi không thấy đâu, họ mới ngộ ra mình “dính cú lừa” nên tố cáo đến công an.

Liên quan đến vụ công ty đa cấp lừa đảo Tâm Mặt Trời trụ sở chính số 15B đường Sông Đà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM bị đánh sập trước đó, Cơ quan CSĐT cho biết đã khởi tố 7 bị can là lãnh đạo của Tâm Mặt Trời để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có các bị can Nguyễn Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc, Thiên Trí Sanh, Phó Tổng Giám đốc... Ngoài ra, hiện còn 2 thành viên lãnh đạo Cty Tâm Mặt Trời bỏ trốn và đang bị truy bắt. Thống kê sơ bộ của công an, số nạn nhân của công ty Tâm Mặt Trời đã lên đến 40 ngàn người, số tiền họ bị chiếm đoạt lên đến 130 tỷ đồng. Tuy nhiên nhận định của một cán bộ điều tra, số nạn nhân chắc chắn còn nhiều hơn nữa.

Công ty Tâm Mặt Trời đã ngưng hoạt động khi "chóp bu" bị bắt

Cơ quan điều tra nhận định hoạt động của Muaban 24, Tâm Mặt Trời, Cộng Đồng Việt với những thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi khi lấy một phần tiền của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước. Các nạn nhân khi biết mình bị ''sập bẫy lừa'' thì đã quá muộn, muốn rút vốn ra cũng không thể. Đây là vụ án lừa đảo xảy ra trong thời gian dài với số tài sản chiếm đoạt rất lớn, rất nhiều người trên khắp cả nước trở thành nạn nhân.

Hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra về chi nhánh của 2 công ty Tâm Mặt Trời và Cộng Đồng Việt ở khắp các tỉnh thành. Cơ quan công an cũng kêu gọi các đối tượng có liên quan sớm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Chung cư 10 triệu/m2: Kẻ kêu phá giá, người lo chất lượng

01:21 |

 Tại buổi đối thoại Đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành xây dựng bất động sản khu vực Hà Nội, lãnh đạo một doanh nghiệp tiên phong xây nhà ở xã hội đặt vấn đề cần có chính sách chống bán phá giá nhà thương mại.
Phó tổng giám đốc Vinaconex Đoàn Châu Phong thể hiện thái độ khá gay gắt với việc giảm giá căn hộ mà ông gọi là bán phá giá. Ông Phong cũng đề nghị “có chính sách chống bán phá giá để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính”.



Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc giảm giá sốc hay bán phá giá có thể ảnh hưởng tới chất lượng căn hộ

Trước phát biểu gây bất ngờ tại hội nghị của Phó tổng giám đốc Vinaconex thì Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra khuyến khích các doanh nghiệp nên tái cơ cấu lại sản phẩm của mình tập trung hơn vào nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng thì việc xây dựng nhà ở xã hội “vừa giúp bản thân doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, vừa giúp xã hội, giúp người dân cũng là giúp nền kinh tế”.

Trong đối thoại tại buổi gặp gỡ, có hai lần Bộ trưởng đặt câu hỏi với các doanh nghiệp tham gia rằng có thể xây được bao nhiêu ha nhà ở xã hội. Trong gói giải pháp mà bộ trưởng Xây dựng đưa ra cũng nêu bật giải pháp tăng diện tích nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Dũng nói: “Loại ba, đối với dự án đã có hạ tầng hoặc một phần hạ tầng thì điều chỉnh dự án để tăng cơ cấu nhà ở xã hội lên”.

“ Không phải chỉ 20% nhà ở xã hội như hiện nay mà có thể 100%. Doanh nghiệp làm được không?”, bộ trưởng đặt câu hỏi.

Nắm bắt câu chuyện nhà ở xã hội, ông Phong nêu vấn đề: “Gần đây có tình trạng doanh nghiệp tìm cách thoát cuộc chơi bằng bán phá giá làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng”.

Theo lãnh đạo của doanh nghiệp xây dựng quốc doanh này thì, việc bán phá giá khiến: “Người dân cho rằng, một đơn vị bán phá giá sẽ có 2-3 ông hạ giá theo. Người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi”.

“Vấn đề nhà ở xã hội có thể làm xong rồi nhưng người mua nhà không nộp tiền vì không có tiền, giá đã áp rồi nhưng nhiều nhà thương mại phá giá khiến người dân có sự so sánh”, ông Phong nói.

Tuy không chỉ rõ doanh nghiệp bán phá giá là doanh nghiệp nào nhưng ông Phong đưa ra mức giá mà ông cho là bán phá giá ở mức 10 triệu đồng/m2.
 
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, có nhiều tiếng nói phản đối việc giảm giá sốc chung cư. Hầu hết, các ý kiến phản đối đều cho rằng hạ giá bán nhà đi kèm theo rủi ro cho người mua về chất lượng căn hộ và đưa ra khuyến cáo người mua nhà nên thận trọng với những dự án nhà giá giảm sâu.

Máy bay suýt gặp nguy vì lỗi huấn lệnh không lưu

01:15 |

 Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn đối với 2 kiểm soát viên không lưu do huấn lệnh bay thiếu chính xác khiến 2 máy bay đang khai thác suýt gặp nguy.
Sự cố uy hiếp nghiêm trọng về an toàn hàng không nói trên xảy ra lúc gần 12h trưa ngày 14/10 vừa qua và đã được báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.

Sự cố xảy ra giữa máy bay của một hãng trong nước và một hãng nước ngoài.



Đài chỉ huy không lưu là nơi đưa ra các huấn lệnh chỉ dẫn bay, vì vậy chỉ một sơ xuất
nhỏ có thể sẽ dẫn tới những sự cố uy hiếp hàng không (ảnh: Internet)
Theo đó, chuyến bay của hãng trong nước được kiểm soát viên không lưu (KSVKL) cấp huấn lệnh bay lên độ cao FL340, tuy nhiên ít phút sau đó đài chỉ huy không lưu nhận được tín hiệu liên lạc của máy bay nước ngoài thông báo cũng đang ở độ cao FL340 trên không phận Việt Nam. Trong diễn biến này, KSVKL cho biết đã nhận dạng bằng rada và chỉ định giữ nguyên độ cao, lấy hướng bay tới điểm VILAO (gần biên giới Việt Nam - Lào) và báo cáo khi qua điểm này.

Đến mhoảng 12h10 phút, phi công lái máy bay của hãng nội địa phát hiện phía trước có máy bay ngược chiều ở cùng độ cao đang bay, cách nhau khoảng 10km trên hướng 9 giờ so với hướng bay của máy bay mình đang điều khiển, vì vậy tổ lái đã phát đi thông báo với đài không lưu Nội Bài và đề nghị xác định tình hình nhưng không nhận được phản hồi từ KSVKL.

Nhận thấy có nguy cơ xung đột về quỹ đạo, tổ lái tiếp tục nhắc lại yêu cầu xác nhận sự việc, sau nhiều lần nhận được tín hiệu của 2 máy bay thì KSVKL mới phát hiện ra tình huống nguy hiểm và liên tiếp yêu cầu máy bay của hãng nội địa giảm độ cao xuống FL320, sau đó tiếp tục giảm xuống độ cao FL240.

“Đây là sự cố nghiêm trọng, gây uy hiếp an toàn bay, vì vậy một đoàn kiểm tra đã khẩn trương được thành lập để điều tra rõ ràng sự việc.” - đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi tổng hợp hồ sơ dữ liệu, nghe bằng ghi âm, xem lại bản ghi hình rada và kiểm tra thực tế, nguyên nhân của sự việc được xác định là do lỗi của KSVKL. KSVKL đã thiếu phân tích, quan sát và đánh giá không đúng về xu thế hội tụ của các máy bay liên quan nên cấp huấn lệnh không chính xác, có biểu hiện thụ động trong khi làm việc.

Vào thời điểm xảy ra sự cố kíp phó (đang trực thay vị trí kíp trưởng - PV) chưa giám sát đầy đủ, không trợ giúp cho KSV trực chính, thậm chí còn rời vị trí khi chưa bàn giao lại công việc phụ trách ca cho kíp trưởng. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố, chức năng cảnh báo của rada giám sát không hoạt động do trước đó vừa bảo dưỡng nhưng nhân viên kỹ thuật không báo cáo cho các bên liên quan…

Việc xử lý vi phạm đối với hàng loạt cán bộ, KSVKL có liên quan đã được đưa ra. Theo đó, Thanh tra Cục Hàng không đã tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn đối với KSV không lưu trực chính, tước giấy phép hành nghề 2 tháng đối với trực kíp trưởng và phạt hành chính 3 KSVKL về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình, gây uy hiếp an toàn bay.

Chưa hết, tại thời điểm xảy ra sự cố, kíp trực không đảm bảo nhân lực, các vị trí trực hiệp đồng 2, trực ghi chép băng, KSV giám sát do kíp trưởng kiêm nhiệm đều không có mặt. Do đó, trưởng Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội cũng bị xử phạt hành chính do không đảm bảo quân số kịp trực, vi phạm trách nhiệm của người đứng đầu.

Liên quan đến sự việc này, ngày 26/10, PV Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam để trao đổi và tiếp nhận thông tin từ phía đơn vị quản lý cấp cao nhất đối với hoạt động kiểm soát không lưu nhưng đều không nhận được câu trả lời.

Trước đó, hồi giữa tháng 4/2012, một sự cố chỉ dẫn bay tương tự cũng xảy ra gần mũi Cà Mau do lỗi của KSVKL thuộc Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận HCM khiến hai máy bay nước ngoài trên không phận Việt Nam có nguy cơ xung đột.

Cuối năm 2011, cũng tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, trực kiểm soát không lưu đã phát nhầm lệnh hạ cánh khiến một chuyến bay từ Đài Loan về TP.HCM suýt đâm vào ô tô và nhân viên mặt đất.